Nguồn gốc một số từ Hán Việt có thể bạn chưa biết

Từ Hán Việt chiếm 60 – 70% lượng từ tiếng Việt. Đây là hệ quả của quá trình ngàn năm phong kiến của Trung Quốc tới Việt Nam. Từ Hán Việt không chỉ làm phong phú kho tàng từ vựng mà còn mang nét riêng và đôi khi không thể thay thế, vậy bạn đã bao giờ thắc mắc nguồn gốc ý nghĩa của chúng chưa?

Hôm nay, hãy cùng QTEDU tìm hiểu một số từ Hán Việt quen thuộc và nguồn gốc của nó nhé!

 

 

 Câu nệ  拘泥 (Từ Hán Việt)

– Câu là bó buộc, hạn chế, cố chấp, cũng có nghĩa là bắt lại (như từ “câu lưu” nghĩa là giam giữ tạm thời);

– Nệ là trì trệ, cố chấp, chần chừ, cũng có nghĩa là bó buộc.

 

“Câu nệ”, nghĩa chung là bó buộc, cố chấp, không thoải mái, thiếu linh hoạt. Theo từ điển Hoàng Phê, “câu nệ” hiện nay được dùng với hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là “cứ một mực theo cái định sẵn, không biết xử lý linh hoạt theo hoàn cảnh”. Nghĩa thứ hai là “giữ kẽ, ngại ngùng”, ví dụ “chỗ thân tình với nhau đừng câu nệ”.

 

 Tận tuỵ  盡瘁 (Từ Hán Việt)

– Tận là hết, không còn gì nữa, như “tận tâm” là hết lòng, “tận lực” là hết sức.
– Tuỵ là nhọc nhằn, lao khổ, mệt nhọc.

“Tận tuỵ” là từ chỉ làm việc gì mà dùng hết lòng hết sức, không nề hà gian khổ. Ta thường nói “cúc cung tận tuỵ”, tức là cúi gập thân mình xuống và chịu đựng khó nhọc, ý nói hết lòng phụng sự.

 

 Cự phách 巨擘 (Từ Hán Việt)

– Cự là to, lớn, như “cự đại” là rất lớn, khổng lồ, “cự phú” là nhà giàu to.
– Phách (còn có âm khác là “bịch”) là ngón tay cái.

“Cự phách” là từ tổ chỉ ngón tay lớn nhất, tức ngón cái. Rồi từ đó mà mở rộng nghĩa chỉ người kiệt xuất hơn cả, có tài năng hơn cả trong một lĩnh vực nào đó. Ngoài “cự phách”, ngón tay cái còn được gọi là “cự chỉ” hoặc “mẫu chỉ” với chỉ – 指 là ngón tay.

 

Nham hiểm 巖險 (Từ Hán Việt)

– “Nham” là núi cao ngất trời, núi cao ngất thì gọi là “nham”. Ngoài ra, chữ “nham” này cũng có nghĩa là đá, trong từ “dung nham” thì “dung” là nóng chảy, “nham” là đá, “dung nham” là đá nóng chảy.

– “Hiểm” là đường núi nguy nan, đường núi mà khó đi thì gọi là “hiểm”. Mở rộng ra cái gì khó, nguy, trắc trở, không thông thuận, không dễ dàng cũng gọi là “hiểm”. Ta thường dùng “hiểm địa”, “hiểm trở”, “hiểm nghèo”,…

“Nham hiểm” vốn có nghĩa là thế núi cao và khó đi, mở rộng dùng để ví lòng dạ con người thâm độc, mưu mô khó lường, có thể hại người. Ngày nay chúng ta thường dùng nghĩa mở rộng, hầu như không còn dùng nghĩa gốc nữa.

 

Ẩn dật 隱逸 (Từ Hán Việt)

– “Ẩn – 隱” nghĩa chung là che giấu, trốn, nấp, không hiện rõ ra thì gọi là “ẩn”.

– “Dật – 逸” nghĩa gốc là chạy trốn, sau mở rộng thêm nhiều nghĩa như phóng túng, phóng đãng (dâm dật), nhàn rỗi, an nhàn cũng gọi là “dật”.

“Ẩn dật” nghĩa chung là trốn, lánh đi, thường để chỉ việc ở ẩn, xa lánh cõi đời, cũng thường hiểu là vui thú ở ẩn. Sống kín đáo, xa lánh cõi đời mà tự vui lấy chính là “ẩn dật”.

Bức xúc 逼促 (Từ Hán Việt)

– Bức là bắt buộc, buộc phải. Từ điển Thiều Chửu giảng “ở vào chỗ hai bên nó đè ép không cựa được nữa gọi là bức”. Thường gặp trong các từ như bức cung, bức hôn, bức tử, bức bách.
– Xúc là gấp gáp, vội vã. Từ điển Thiều Chửu giảng “sự cần kíp đến nơi gọi là xúc”, chính là chữ “xúc” trong “xúc tiến”. Chữ “xúc” này, xin phân biệt với chữ “xúc – 觸” có nghĩa là chạm vào vật gì (tiếp xúc) hoặc sự động chạm vào tâm tình (cảm xúc).

“Bức xúc”, theo Từ điển Hoàng Phê có nghĩa là “cấp bách lắm, yêu cầu phải được giải quyết ngay”.

Hiện nay, từ “bức xúc” thường dùng theo nghĩa khác đi một chút. Theo đó, “bức xúc” thường dùng để chỉ cảm giác, trạng thái bực bội, uất ức, đòi hỏi phải được giải quyết.

 

Mạo muội 冒昧 (Từ Hán Việt)

– Mạo là hấp tấp, làm bừa, làm liều. Chữ “mạo” này có nhiều nghĩa, như xông pha làm gì mà không sợ cũng gọi là “mạo”, chẳng hạn “mạo hiểm”. Làm giả cũng là chữ “mạo” này, như “mạo danh”.
– Muội là tối tăm, ngu dốt, không rõ lý lẽ gì.

“Mạo muội” vốn có nghĩa chung là làm bừa, làm liều, làm đại mà không biết đúng sai, không hiểu rõ nhưng cứ làm.

Hiện tại, “mạo muội” thường được dùng như một cách nói bày tỏ sự khiêm nhường, kiểu “em mạo muội hỏi”, “không biết có được không nhưng tôi cũng mạo muội đề nghị”. Với lối dùng khiêm nhường này, Từ điển Hoàng Phê giảng “mạo muội” là “đánh liều làm việc biết có thể là dại dột, sơ suất” (nhưng vẫn làm).

 

Hy vọng những kiến thức về nguồn gốc từ Hán Việt QTEDU cung cấp sẽ giúp ích cho các bạn!

 

Nguồn: Ngày ngày viết chữ – Nguồn gốc của từ

Bài viết có liên quan:

Từ lóng Trung Quốc Phần 2

Cách dạy trẻ nói nhiều thứ tiếng từ nhỏ 

Tên trường đại học bằng tiếng Trung (Phần 1)

Tìm hiểu thêm những thông tin mới tại đây:

https://qtedu.vn/tin-tuc

https://www.facebook.com/qtedu/

QTEDU chúc bạn học tiếng Trung vui vẻ và đạt hiệu quả cao!

QTEDU- 学而优

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *