PHƯƠNG PHÁP HỌC TIẾNG TRUNG HIỆU QUẢ

PHƯƠNG PHÁP HỌC TIẾNG TRUNG HIỆU QUẢ

 

 

Nguyễn Quốc Tư (11/09/2021)

 

Mình đã viết bài này cách đây 3 năm, chia sẻ cho nhiều bạn đã áp dụng và thành công, nay có thời gian mình chỉnh sửa lại một chút.

Lời đầu tiên mình muốn chia sẻ là “không có cách học nào là vạn năng, phù hợp với tất cả mọi người!”.

Để học tốt tiếng Trung hay bất kỳ 1 ngôn ngữ nào khác bạn cần có những thứ sau, mình sắp xếp theo mức độ quan trọng:

1.Niềm đam mê

2.Sự kiên trì

3.Giáo viên tốt

4.Phương pháp học phù hợp

5.Tư liệu học tốt

6.Thời gian học

7.Năng khiếu ngôn ngữ

Nhiều người cho rằng mình không học được vì không có năng khiếu hoặc không có thời gian.

Xin thưa các bạn: “Tất cả chỉ là nguỵ biện!”. Bận như tổng thống, chủ tịch nước họ còn có thời gian tự học, thời gian đọc sách. Bận hay không là do mình sắp xếp thời gian và mức độ quan trọng của các đầu việc như thế nào thôi.

Còn về năng khiếu ngôn ngữ thì bạn nói tốt tiếng Việt rồi không có cớ gì mà không học được ngoại ngữ cả. Mình chỉ chấp nhận bạn không có năng khiếu khi tiếng Việt bạn nói không sõi, ngọng quá nhiều, mù chữ… Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu tiếng mẹ đẻ bạn nói bình thường thì không có cớ gì bạn không học giỏi ngoại ngữ được cả.

Quay lại chủ đề chính, mình xin chia sẻ cách học mà mình đã học và thành công hơn mong đợi. (Mình Đại học học Công nghệ thông tin nhé, chia sẻ cho các bạn ngoại đạo lấy động lực):

Nguyên tắc tiến bộ căn bản:

  • Viết kém -> Viết nhiều
  • Đọc kém -> Đọc nhiều
  • Nghe kém -> Nghe nhiều
  • Nói kém -> Giao tiếp nhiều

Nguyên tắc tiến bộ lâu dài:

  • Muốn nói giỏi —> Nghe nhiều
  • Muốn viết giỏi —> Đọc nhiều

Đây là cách học thực thụ để đạt được trình độ ngang người bản xứ khi đạt trình độ nhất định.

1. Kỹ năng nghe:

a) Phân theo trình độ

Ở trình độ sơ cấp các bạn chỉ cần nghe băng đĩa và ghi âm phần phát âm, luyện âm, từ mới và hội thoại nhiều lần là đủ. Trình độ trung cấp (HSK3 trở lên) các bạn nếu quỹ thời gian hạn hẹp vẫn nghe băng đĩa ghi âm là đủ. Nếu có nhiều thời gian và đặc biệt trình độ HSK4 trở lên các bạn nên bắt đầu tải các ứng dụng nghe của TQ về tập nghe.

b) Các ứng dụng học nghe

Nghe truyện cười, thời sự, tâm sự, tài chính kinh tế, kể chuyện đêm khuya…

Mình và người Trung đều rất hay dùng app 喜马拉雅. Nếu bạn có kho ứng dụng Trung Quốc, giọng đọc tuyệt vời luôn. Rất nhiều thể loại cho mình nghe với đúng giọng người Trung Quốc nói cho nhau nghe. Chứ không phải kiểu băng đĩa đọc chậm cho người nước ngoài nghe đâu. Nếu tải ứng dụng không tiện thì các bạn có thể nghe trên Youtube của Nhuỵ Hy rất hay. Hoặc các video ngắn của kênh 一禪小和尚 , chính là các video của Tiểu Hoà Thượng hay và ý nghĩa nữa.

Vì mình rất chú ý đến phát âm nên mình dùng thêm ứng dụng 为你朗读. Phát âm rất tuyệt vời cùng các giáo viên có giọng đọc rất truyền cảm.

Nghe nhạc trên Youtube cũng nhiều, mình trước ở Trung Quốc hay dùng QQ music, Sougou music.

Xem phim rất nhiều nguồn các bạn tự lựa chọn. Nhưng nhớ là dù không hiểu cũng không nên xem phim lồng tiếng, ít ra phải có tiếng gốc của phim hoặc tiếng gốc + phụ đề thì nghe càng lên nhanh.

Nghe thời sự (HSK5-6) để đạt được trình độ cao thủ tiếng Trung. Bạn không thể không qua ngưỡng cửa nghe thời sự Trung Quốc. 新闻联播 chuẩn mọi mặt về phát âm dùng từ… Nhưng độ khó tương đối cao và đặc biệt nếu bạn nghe tốt và đồng thời dịch sang tiếng Việt cùng lúc tốt thì hãy tự tin bạn đã rất giỏi Tiếng Trung rồi đó.

YouTube:

 

Ximalaya và Writer:

 

c) Nghe cả khi không hiểu

Đừng bỏ cuộc khi bạn nghe không hiểu. Hãy để nghe trở thành một thói quen. Lúc mình học đại học mỗi ngày từ nhà đến Đại học Hà Nội 40 phút đi xe máy mình đều đeo tai nghe. Mình cũng không mở âm lượng quá lớn vừa đảm bảo được an toàn giao thông và cũng để việc nghe thành một thói quen. Mình đã nghe truyện cười (笑话段子) trên 喜马拉雅. Từ lúc mình chỉ hiểu được vài từ đến khi thỉnh thoảng nghe hiểu một câu, một đoạn, nội dung truyện cười và cuối cùng là đa phần câu truyện. Cảm giác thay đổi của quá trình đó thật là tuyệt.

Và mình còn phát hiện một điều là nếu bạn kiên trì nghe bạn sẽ tiến bộ trong cái không nhận thức được của chính bản thân mình. Đến một ngày bạn phát hiện ra từ này mình chưa học đã biết, đã nghe ở đâu rồi… Và quan trọng hom nữa là khi nghe, bạn có thể không cần để tâm đến nó nói gì, kệ nó. Bạn phải nhớ rằng não bộ của bạn vẫn nghe và vẫn học trong lúc bạn suy nghĩ về việc khác, làm việc khác… Thật là vi diệu phải không nào?

2. Kỹ năng nói:

Quan trọng nhất bạn phải tự tin nói, nói ra được là bạn đã thành công một nửa. Cho dù đối phương chưa hiểu hết nhưng bạn đã thắng chính bản thân mình.

Sau khi làm được bước này thì bạn bắt đầu phải kiểm soát mình đang nói gì. Dùng từ như thế nào và hãy cố gắng dùng những cấu trúc mình đã học, tương tự bài khoá để biểu đạt, yên tâm bạn sẽ không sai.

“Người giỏi ngoại ngữ là người giỏi bắt chước”.

Khi có cơ hội tiếp xúc với người Trung Quốc bạn hãy để ý từng câu nói từng từ của họ. Bạn đừng bao giờ nghĩ rằng câu “Cậu ăn cơm chưa?” mình biết rồi mình không học nữa…. Người ta có cả chục cách để hỏi và trả lời trong trường hợp đó. Hãy bắt chước họ sao cho bạn dùng được đúng ngữ cảnh nhất, tự nhiên nhất và hay nhất chứ đừng chỉ biết “你吃饭了吗?” và dùng nó trong mọi trường hợp.

Học ngôn ngữ chính là đi bắt chước, bạn bắt chước thành công bạn chính là người thành công!

Phát âm cũng vậy. Mình luôn cấm học sinh mình ghi chú thích cách phát âm bên cạnh một chữ. Không khác gì “important” trong tiếng anh bạn ghi chữ “im pót từn” bên cạnh cả. Bạn sẽ không bao giờ học được nó một cách chính xác. Hãy nhớ rằng hai ngôn ngữ thường không bao giờ có sự tương đồng 100% về phát âm. Để phát âm được tốt bạn hãy chịu khó lắng nghe và bắt chước thật giống nhé!

Bệnh thường gặp của người Việt:

(Chú ý xem mình mắc những bệnh nào và “chữa trị” kịp thời nhé!)

1) Hay nhầm thanh 1 và thanh 4

2) Không bật hơi cho những âm bật hoi

3) Không uấn lưỡi cho những âm uấn lưỡi

4) Thanh nhẹ không đọc nhẹ

5) Biểu đạt ý theo cách dịch từ tiếng Việt sang

3. Kỹ năng đọc:

Các bài khoá trong giáo trình là quá đủ để bạn luyện đọc. Nếu bạn đã đọc tốt bài khoá mình khuyên bạn nên luyện tập để đọc tốt hơn nữa, chuẩn hơn nữa, ngữ điệu tự nhiên hơn nữa… Mình không yêu cầu bạn đi tìm các bài đọc quá khó để rồi nản lòng và bỏ cuộc. Nếu còn thời gian hãy dành để luyện viết. Nó sẽ thể hiện bản lĩnh của bạn khi bạn đặt phấn, đặt bút.

4. Kỹ năng viết:

Viết chữ Hán thực sự rất khó, rất nhiều bạn bảo hay quên chữ…. Thực ra đó là chuyện hết sức bình thường. Ngay cả người Trung Quốc cũng hay quên cách viết của các chữ ít gặp. Thậm chí các chữ thường gặp một cách thường xuyên vì ngày nay họ đánh máy nhiều hơn viết tay. Thế nên hãy đừng lo khi bạn quên cách viết một chữ nào đó, hãy tìm lại nó và viết lại.

Để kỹ năng viết tay tốt mình khuyên bạn nên học ít thư pháp khi ở trình độ trung cấp trở lên.

Tại sao lại thế? Măng thì dễ nắn hơn tre. Khi bắt đầu học chữ bạn hãy cố gắng chịu khó hoàn thành hết các bài viết đúng và viết rõ ràng là được. Khi học đến trung cấp trở lên cũng là lúc bạn cần cảm hứng cho việc học chữ. Nếu bạn chữ xấu mình đảm bảo bạn sẽ càng ngày càng lười viết và hậu quả là viết kém. Nhưng nếu bạn có môt nét chữ đẹp mà ai nhìn cũng thích thì chúc mừng bạn. Khi đó bạn viết chữ sẽ không cảm thấy mệt mỏi và bạn có thể chép rất nhiều từ mới và bài khoá. Với mục đích luyện chữ nhưng bạn lại âm thầm học được rất nhiều qua việc chép lại từ mới và bài khoá đó mà bản thân bạn chẳng hề hay biết.

Ngoài ra hãy nhớ rằng khi viết chữ nét nào viết trước nét nào viết sau rất quan trọng. Nó sẽ là tiền đề cho bạn viết tay liền nét được nhanh sau này. Có một trò chơi trên iOs tên là Writer cũng giúp bạn nhớ được thứ tự các nét đó. Mình rất hay dùng lúc mới học tiếng Trung.

5. Kỹ năng dịch:

Kỹ năng dịch là một kỹ năng rất khó đối với người học tiếng Trung. Để dịch được tốt bạn cần tốt cả tiếng Trung và tiếng Việt. Học dịch thì bạn nên tham khảo các bản dịch tốt để biết cách một phiên dịch viên dịch trong các tình huống ngôn ngữ không hoàn toàn tương đồng.

Còn về nghề phiên dịch thì thực sự là nghề dạy nghề. Không có quyển sách nào dạy bạn mà bạn dịch được tốt luôn cả. Chỉ là phương pháp, quan trọng nhất là thực hành. Bạn nên đi dịch thậm chí là không công khi mới bắt đầu làm nghề dịch. Khi bạn dịch tốt tiền tự khắc đến và bạn sẽ có được giá trị của bản thân.

Hãy cố gắng tra ngay những gì bạn không biết và nhận sai, nhận thiếu sót chứ đừng dịch liều.

“Khiêm tốn sẽ làm cho bạn tiến bộ!”

Trừ những trường hợp không cho phép bạn xác nhận lại thông tin ví dụ như dịch cabin cao cấp thì bạn phải dịch theo ý hiểu hoặc bỏ qua. Còn bình thường hãy xác nhận lại với người nói nếu bạn chưa hiểu hết.

6. Cách học từ mới:

Từ mới học xong lại quên làm thế nào?

Bình thường bạn ạ! Không có não bộ thần đồng nào học cái nhớ luôn, nhìn một chữ hán cái biết viết luôn. Robot may ra!

Mình là người bình thường, bạn hãy chấp nhận việc học rồi lại quên quên rồi lại học. Có một nghiên cứu đã chứng minh rằng, với một não bộ của người bình thường, khi bạn học 1 từ mới bạn phải gặp lại nó “16 lần không liên tiếp” thì bạn mới nhớ nó 1 cách hoàn toàn và không quên lại nữa. Vậy nếu bạn quên, hãy tự nhủ đơn giản là vĩ mình gặp nó chưa đủ 16 lần.

Cách học từ mới của mình là viết.

Mình rất thích viết tiếng Trung, và cũng từng được rất nhiều giải về các cuộc thi tài năng thư pháp. Mình đem từ mới ra để luyện chữ không ngờ lại học thuộc rất nhanh nên mình dùng luôn cách này.

Ở đây mình chia sẻ luôn để các bạn tham khảo:

Đầu tiên mình kẻ vở dọc thành 5 cột. Hôm nào học đến từ mới nào mình chép hết 1 cột dọc từ từ đâu tiên đến từ cuối cùng (không ghi phiên âm, cũng không ghi nghĩa).

Bước 2 mình đọc từng từ và kết hợp xem thanh điệu và nghĩa của nó để nắm bắt sơ lược.

Bước 3 mình bắt đầu viết từ từ thứ 1 đến từ thứ 20 một lần nữa ở cột 2. Cứ từ nào quên cách đọc hoặc nghĩa mình lại mở sách ra xem xong gấp lại luôn. Và mình cứ chép dọc như thế đến hết cột 5.

Thật là kỳ diệu chép xong mình đã nhớ hết cả cách đọc, cách viết chữ và nghĩa của chúng. Bạn không tin hãy thử xem.

Đồng thời mình đã có một thí nghiệm có vẻ ngu ngốc là chép ngang dòng nào hết dòng đó, và hậu quả là chẳng nhớ được mấy từ… Thế nên hãy nhớ chép DỌC thì mới có hiệu quả!

Ảnh minh hoạ:

1. 老师 老师
2. 课文 课文
3. 办公室 ⬇️
4. 下课 ⬇️
5. 听 ⬇️
…. ⬇️
20. 结束 ➡️

 

 

 

7. Nguyên tắc học “n+1”

Nếu bạn học tiếng Trung và đang cảm thấy quá nhiều từ mới đọc mà nản chứng tỏ bạn đang không tuân theo nguyên tắc này.

Bạn đang học quá khó với trình độ thực tế của mình. Hãy thử lại với trình độ thấp hơn. Thông thường thì 1 bài đọc phù hợp với bạn là những bài đọc không quá 20% là từ mới. Nếu quá bạn đang học nhầm trình độ. Hãy học chắc ở trình độ thấp hơn đã.

 

Đó là toàn bộ những chia sẻ của mình về cách học tiếng Trung. Hy vọng các bạn thành công bằng phương pháp mà bạn cho là phù hợp với mình. Kiên trì và bạn sẽ thành công hơn mong đợi!

 

 

Có thể bạn quan tâm:

=> Thông tin thêm về thầy Quốc Tư và QTEDU:

https://qtedu.vn/tin-tuc

https://bit.ly/qtedu24h

https://bit.ly/qtedugdtd

 

 

QTEDU chúc bạn học tiếng Trung vui vẻ và đạt hiệu quả cao!

QTEDU- 学而优

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *