QTEDU nhận được rất nhiều câu hỏi từ các bạn gửi lại, thắc mắc và lo lắng về những điều cần chuẩn bị để sang Trung Quốc. QTEDU đã tổng hợp thông tin và xin chia sẻ từ nhiều cựu du học sinh, đồng thời có được sự chia sẻ của thầy Nguyễn Quốc Tư, QTEDU xin gửi tới các bạn bài viết này tổng hợp những hành trang cần chuẩn bị cho một chuyến bay du học Trung Quốc an tâm và an toàn. Các bạn nếu có thắc mắc cần hỗ trợ hay bài viết chưa đề cập đến thì hãy liên hệ với QTEDU để chúng mình hỗ trợ giải đáp nhé!
1. Lần đầu sang nên đi tàu hay đi máy bay?
Đáp: Tùy trường và hoàn cảnh gia đình. Nên hỏi thêm thông tin từ các anh chị từng học trường đó. Đi tàu thường sẽ tiết kiệm hơn khá nhiều nhưng phù hợp với những ai đi theo đoàn hoặc bản thân Tiếng Trung tốt.
2. Hành lý mang những gì?
Đáp: Mang gì thì tùy bạn, máy bay thường hạn chế dưới 20 hoặc dưới 23 kg cho hành lý vận chuyển, nhiều lúc mua tại đại lý mà mua đc vé sinh viên thì sẽ đc hẳn 2 kiện ký gửi và 7kg cho hành lý xách tay (hành lý xách tay họ thường không cân, ăn gian 1 tí cũng không sao). Còn đi tàu thì cũng không nên mang nhiều xách nặng. Lần đầu có thể mang ít mì tôm đi ăn, trà, cà phê, tiền Việt 10k,20k làm quà (nhiều người thích sưu tập tiền nước ngoài).
Tuy nhiên mang ít thôi vì taobao hầu hết đều có từ mì tôm; chanh; nước mắm; mắm tôm; bánh đa nem….đều có thể mua được.
3. Nên mang bao nhiêu tiền đi lần đầu? Mang tiền Việt, tiền tệ hay tiền đô?
Đáp: Vì khi mới sang trường cần phí để ổn định mua một số đồ lặt vặt nên mình kiến nghị mang theo 3000 tệ hoặc 500 đô trở lên (Không nên mang quá 100 triệu phát hiện dễ bị phạt). Mang tệ hoặc đô đi là được, lưu ý KHÔNG MANG TIỀN VIỆT vì sang đó rất khó đổi, tiền đô thì dễ đổi.
4. Muốn hiểu thêm về trường thì hỏi ai?
Đáp: Hầu hết các trường đều có Hội Lưu Học Sinh Việt Nam tại trường đó, các bạn tìm trên FB nếu không thấy nhắn wechat ID ruanguosi mình có thể giới thiệu giúp, kết bạn với 1,2 anh chị đang ở trường rồi thì tha hồ hỏi.
5. Làm thế nào để đi du học Trung Quốc?
Đáp: Nếu thành tích tốt và biết Tiếng Trung có thể tự apply học bổng du học trung quốc tuy nhiên tỷ lệ thành công không quá cao. Các bạn cũng có thể hỏi các giáo viên Tiếng Trung bạn đang học hoặc các trung tâm hỗ trợ du học Trung Quốc để được hỗ trợ.
6. Bình thường thì khi nào nhập học?
Đáp: Các bạn có thể xem trên giấy trúng tuyển. Thường thì 1 năm 2 đợt nhập học cuối tháng 2 và cuối tháng 8. Có thể sang trước vài ngày cũng được nhưng không nên sang trước quá lâu kẻo hết Visa tạm thời chưa kịp đổi sang Visa dài hạn rất phức tạp
7. Sang trường làm thủ tục có rắc rối không?
Đáp: Thủ tục nhập học cũng bình thường, các cô ở văn phòng thường nói cả Tiếng Trung và Tiếng Anh, nếu không nữa thì có thể liên hệ các anh chị sinh viên Việt Nam ở trường giúp, cứ làm theo hướng dẫn là ok. Một số nơi giáo viên họ cứ nhất định auto nói tiếng Anh với mình thì các bạn nói được tiếng Trung nên chủ động yêu cầu họ nói tiếng Trung tránh làm khổ cả 2 bên 😂
8.Thấy bảo họ ăn khác mình lắm, có nơi toàn ăn bánh mỳ bánh bao, màn thầu, liệu mình sống đc không?
Đáp: Cũng không đến nỗi đâu! Đồ ăn Trung Quốc mỗi vùng một khác nhưng cơ bản vẫn có cơm thịt cá rau cỏ bình thường, nhìn chung thì hơi cay nóng và dầu mỡ, trừ một vài nơi họ ít ăn cơm, họ ăn màn thầu và các loại bánh, các loại mì, còn nhìn chung vẫn tìm được đồ ăn phù hợp, không thì mua thực phẩm tự nấu. Bản thân mình đi rất nhiều nơi ở Trung Quốc đều thấy đồ ăn khá ngon và thỉnh thoảng cũng tự nấu cho tiết kiệm và sạch sẽ.
9. Nên ăn quán, nhà hàng, căng tin, gọi đồ ăn online hay tự nấu?
Đáp: Tùy xem bạn ở mấy người. Nếu ở cùng mấy anh chị Việt Nam thì nấu ăn cùng nhau vừa ngon vừa rẻ. Nếu ở cùng người nước ngoài thì thường ăn uống không hợp nên tự nấu thì cũng lịch kịch, tốt nhất ăn căng tin hoặc gọi đồ ăn nó mang lên tận cửa, rẻ và tiện lợi, ăn ở nhà hàng nhìn chung phí hơi cao.
10.Thấy bảo đồ ăn bên đấy bẩn và không an toàn ạ?
Đáp: Ở đâu cũng có chỗ bẩn chỗ sạch, do mình chọn thôi, an toàn hay không thì cũng khó nói, nhưng bên đó thực phẩm họ quản lý rất chặt nên mình thấy rất ít trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, còn muốn sạch thì tự nấu cũng được, hoặc có tiền ăn nhà hàng thì cũng khá sạch sẽ và yên tâm.
11.Thấy bảo bên đấy không khí ô nhiễm lắm ạ?
Đáp: Các thành phố lớn thì ô nhiễm thật nhưng mấy năm gần đây cũng cải thiện rất nhiều rồi, không khói bụi kiểu Việt Nam mà ô nhiễm tàng hình thôi, mình từng đi Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu vẫn thấy thoải mái và sạch sẽ, không có dịch bệnh thì cũng không cần đeo khẩu trang.
12. Bên đấy dân họ có ghét mình không thầy?
Đáp: Tất cả những người Trung Quốc mình từng gặp đều rất hòa đồng và thân thiện. Họ chỉ coi mình là nước nhỏ có một số người học ít không biết mình thôi chứ không ghét mình đâu. Toàn hỏi mình Việt Nam lấy được 2 vợ à với lấy chồng Trung Quốc thì mình ghét mình gạt đi thôi 😂 Nhìn chung ở đâu cũng có người tốt người xấu, riêng mình chơi thân với người Trung Quốc họ lại rất tốt với mình. Mình nghĩ người nước nào cũng thế, bạn đối xử với họ thế nào thì họ đối xử với bạn như thế!
13. Học hành có vất vả không thầy?
Đáp: Còn xem bạn học ngành gì? Trường nào? Thường vất vả hay không là do bạn, bạn lười thì nhàn, chăm thì vất. Nhìn chung các trường bình thường sinh viên quốc tế học đỡ hơn học ở Việt Nam vì bao giờ các thầy cô cũng nương tay hơn sinh viên Trung Quốc, (cũng có số ít trường không nương tay thường ở phía nam) mình học 7 năm bên Trung Quốc ngành Giáo dục Hán ngữ Quốc tế cũng không thấy quá vất điểm tổng kết tất các môn thường không dưới 90/100. Luận văn thạc sĩ và tiến sĩ thì tương đối mệt.
14.Thời tiết có khắc nghiệt không?
Đáp: Còn xem bạn đi đâu, cứ tìm thông tin về thời tiết nơi đó là biết. Theo mình thì đi đâu cũng sống được cả thôi, dân ở đó họ thích nghi được mình cũng thích nghi được. Mình học thạc sĩ tại Cát Lâm mùa đông rét xuống âm 30 độ, mùa hè nóng lên hơn 30 độ mình vẫn thấy rất bình thường vì mùa đông trong phòng máy sưởi 24/24, vẫn quần đùi áo cộc, ra ngoài thì mặc nhiều vào, mà chơi tuyết cũng vui nữa. Cái rét Trung Quốc thường rét khô nên không đáng sợ đâu, rét ẩm Việt Nam thấu xương là sợ nhất. Còn nếu là quyết tâm đi thì không nên sợ, tuổi trẻ mà, xách vali lên và đi thôi!
15. Giao thông đắt đỏ lắm không?
Đáp: Đi xe buýt hoặc tàu điện thì rẻ mà. Càng thành phố lớn tàu điện càng tiện. Taxi thì đắt thật (giá mở cửa đã 10-30 tệ rồi). Đa phần Trung Quốc không cho đi xe máy nhưng có thể sử dụng xe đạp điện hoặc xe máy điện người Việt sang đó rất chuộng.
16. Giá cả bên đó thế nào? Học bổng 2500 tệ 1 tháng có đủ sinh hoạt không?
Đáp: Tuỳ chỗ nhưng so với Việt Nam thì khá đắt! Thông thường vật giá đắt gấp đôi gấp 3 so với ở Việt Nam. Tiêu bao nhiêu tuỳ người nhưng nhìn chung sinh hoạt phí 2500 tệ/ tháng tiêu tiết kiệm chắc chắn là đủ. Trước mình có 1700 tệ 1 tháng mình vẫn sống rất bình thường, sau được học bổng chuyên gia Tân hán học chu cấp 10.000 tệ/ tháng vẫn chỉ đủ dùng nên không biết thế nào là đủ.
17. Bên đấy người Việt Nam có nhiều không?
Đáp: Cũng tương đối, hầu như trường nào cũng có sinh viên Việt Nam, sang rồi sẽ quen hết, hội đồng hương Việt Nam tại Trung Quốc thường cũng chịu khó hoạt động lắm. Đa phần mọi người đều vào hội sinh hoạt, có một số thành viên cá biệt có thể không tham gia hội.
18. Học bổng có làm thêm được không ạ?
Đáp: Theo quy định thì không được làm thêm không có sự tổ chức của trường tuy nhiên mọi người vẫn làm thêm bình thường, không công khai khoe khoang lương lậu ký tá hợp đồng lao động các kiểu là được. Cá nhân mình khuyên đại học và học tiếng nên tập trung vào học, thạc sĩ tiến sĩ có thời gian có thể làm thêm.
19. Sang đấy gọi điện về nhà có tiện không?
Đáp: Tiện! Mở gọi quốc tế ra là gọi thoải mái, thường cũng chỉ 1 tệ 1 phút, người nhà gọi sang cũng có mấy nghìn 1 phút thôi. Để tiết kiệm mình khuyến khích nên bảo người nhà cài Skype hoặc Wechat ra, gọi điện miễn phí, hoặc iPhone với nhau thì cứ mở FaceTime lên có mạng là gọi miễn phí thoải mái.
20. Sang đấy thì ở phòng mấy người?
Đáp: Tuỳ trường nhưng hệ 1 năm tiếng và hệ đại học, thạc sĩ thường thì 2 người sinh viên quốc tế với nhau có thể sắp xếp ngẫu nhiên hoặc được chọn. Tiến sĩ thì 1 người 1 phòng. Phòng tiêu chuẩn cho sinh viên quốc tế nên cũng thoải mái và tiện nghi hơn ký túc xá tại Việt Nam khá nhiều. Nhiều trường xây nguyên toà khách sạn (tiêu chuẩn 3 sao trở lên) cho sinh viên quốc tế ở.
21. Mua sắm có tiện không?
Đáp: Mua sắm rất tiện lợi. Lúc mới sang cứ ra siêu thị hoặc chợ mua các đồ dùng cần thiết. Còn sau này đăng ký xong thẻ ngân hàng và online banking thì mua sắm online thoải mái, từ cái tăm đến cái ô tô đều có thể mua online được, order đồ ăn online cũng rất tiện.
22.Thấy bảo sang đấy không Facebook, Youtube, Google được đúng không?
Đáp: Về lý thuyết thì cấm nhưng thực tế cài đặt xong phần mềm VPN thì vẫn vào bình thường. VPN có nhiều loại, loại miễn phí thì khá kém ổn định các loại trả phí thì có thể hỏi các bạn trong trường giới thiệu hoặc liên hệ Wechat ID ruanguosi mình giới thiệu chỗ mua.
23. Con trai Trung Quốc có đúng chuẩn soái ca không? Chiều chuộng người yêu không?
Đáp: Soái ca thì ít mà “xấu ca” thì nhiều :)). Mình đùa chút thôi chứ cũng bình thường, trai phía Bắc Trung Quốc thường trắng và cao to, còn phía nam thấp gầy hơn phía Bắc chút, nhìn chung ở đâu chả có người đẹp người xấu. Đa phần rất chiều chuộng người yêu và vợ. Các trường sinh viên quốc tế đông còn có nhiều anh Tây đẹp trai nữa 😄
24. Khám sức khỏe ở Việt Nam sang Trung Quốc học có khám lại không? Viêm Gan B có đi được không?
Đáp: Tuỳ trường, thường thì ở Việt Nam khám hợp lệ đúng mẫu, đúng bệnh viện rồi thì sang đó họ xác nhận lại kết quả là xong. Những năm gần đây nhiều trường xét nghiệm lại máu hoặc khám lại toàn bộ. Viêm Gan B dạng người lành mang bệnh thì đa phần không ảnh hưởng gì, còn nếu dạng động thì khuyên bạn nên ở nhà chữa trị, tránh lây nhiễm cho người khác.
25. Học tự túc phí bao nhiêu?
Đáp: Tuỳ trường và tuỳ thành phố. Ví dụ Đại Học Ngôn Ngữ Bắc Kinh học phí 23.200 tệ/ năm học phí. Ký túc xá phòng 2 ng thì mỗi ng 2350 tệ/ tháng. Còn tiền ăn uống tiêu pha tuỳ ng. Học ở các thành phố nhỏ sẽ tiết kiệm hơn. Nhìn chung sẽ giao động từ 200-400 triệu/năm toàn bộ chi phí.
___
(*) Chia sẻ từ Thầy Nguyễn Quốc Tư – QTEDU (Update 02/2023)
Các bạn tiếp tục đặt câu hỏi nhé QTEDU sẽ cập nhật trong các phiên bản sắp tới!
Trên đây là một số thông tin về Chuẩn bị hành trang du học Trung Quốc A-Z mà QTEDU đã tổng hợp được. Chúc các bạn thành công!
Có thể bạn quan tâm:
- Thông tin học bổng du học Trung Quốc: https://www.facebook.com/groups/duhoctq
- Nhóm Học Tiếng Trung: https://www.facebook.com/groups/hocttq
- Nhóm Giáo Viên Tiếng Trung: https://www.facebook.com/groups/giaovientt/
Thông tin thêm về thầy Quốc Tư và QTEDU
QTEDU – Chuyên gia tin cậy trên con đường chinh phục học bổng du học Trung Quốc!
QTEDU – 学而优