Đầu tiên việc học ngôn ngữ cần thiết phải có môi trường. Nếu bạn muốn con mình nói nhiều thứ tiếng ít nhất bạn phải biết nhiều thứ tiếng. Nếu không bạn cần nghĩ cách tạo ra một môi trường như vậy cho bé.
Mình sẽ giải thích Lisa (Nguyễn Elizabeth) nhà mình nói nhiều thứ tiếng lý do sau mọi người sẽ hiểu.
Mình là người Việt, mẹ Lisa là người Ukraine. Mình nói được tiếng Việt – Anh – Trung – Nga còn mẹ bé nói Ukraine – Anh – Trung – Nga.
Quá trình bé học nói nhiều thứ tiếng
1. Tiếng Trung
Bé may mắn được sinh ra trên đất Bắc Kinh khi vợ chồng mình đang học tại đó vào tháng 4 năm 2018. Một điều trùng hợp nữa là vì sống tại Trung Quốc nên vợ chồng mình thống nhất sẽ nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung cho tiện. Vậy nên bé tiếp xúc từ nhỏ bằng tiếng Trung. Bé nghe bố mẹ nói chuyện suốt ngày rồi ra ngoài cũng vậy… => Bé biết tiếng Trung
2. Tiếng Ukraine
Sau khi bé được 1 tuổi rưỡi thì gia đình mình về Việt Nam. Vì mình bận việc công ty nên ngoài thời gian đi học ra bé ở nhà suốt ngày với mẹ. Ở nhà mẹ luôn luôn nói chuyện với bé bằng tiếng Ukraine, kể cả khi gọi điện cho Bà ngoại, bạn bè của mẹ…. Nên bé tiếp xúc từ nhỏ bằng tiếng Ukraine. => Bé biết tiếng Ukraine
3. Tiếng Việt
Về Việt Nam thì bé bắt đầu đi học, bé học trường song ngữ Việt – Anh ở ngay dưới nhà. Các bạn ở lớp và cô đều nói tiếng Việt, nói chuyện với ông bà cũng vậy. => Bé biết tiếng Việt
4. Tiếng Anh
Ở trường mẫu giáo bé học được cũng kha khá tiếng Anh nhưng không nói mấy. Sau có một thời gian bé xem Peppa Pig khá nhiều nên tự dưng lại bắt đầu tự tin nói tiếng Anh với bố mẹ. (Chương trình này phát âm Anh – Anh rất hay). Vậy là mình tiếp chuyện thôi, dần dần cũng hội thoại ngày càng dài và không xen ngôn ngữ khác nữa. => Bé biết tiếng Anh
5. Tiếng Nga
Mẹ vì không thích Nga nên ít dùng tiếng Nga nói chuyện với bé. Mẹ thường chỉ dạy bé một số bài thơ, bài hát tiếng Nga mà trước đây đã từng dạy mình. Tuy nhiên tiếng Nga và tiếng Ukraine khá giống nhau. Mình thì trước mình học tiếng Nga nên thỉnh thoảng mình có nói với bé nhưng cũng không nhiều vì mình sợ nói sai bé học sai. Dạo gần đây bé xem hoạt hình tiếng Nga nên cũng bắt đầu nói tiếng Nga nhiều hơn. => Bé biết tiếng Nga
Độ thành thạo ngôn ngữ theo tỉ lệ tiếp xúc với ngôn ngữ và tần suất sử dụng:
Xét về độ thành thạo ngôn ngữ bé có tiếng Việt, Tiếng Ukraine và Tiếng Trung hiện tại đều nói rất thành thạo. Phát âm 3 ngôn ngữ này cũng rất tốt, không mấy khi bí từ. Tiếng Anh thỉnh thoảng còn bí từ, tiếng Nga thì bé nói ít hơn.
Mình kể ra quá trình trên chủ yếu để mọi người thấy nói nhiều thứ tiếng thì bé đều có một môi trường “tương tác” nhất định.
Môi trường “sống” và “có tương tác thật” là gì?
Nói về “tương tác” mình phân tích qua một chút cho mọi người hiểu. Nếu một ngôn ngữ không nghe thì không bao giờ biết nói. Chỉ nghe không có tương tác thì cũng không biết nói. Học ngôn ngữ là bắt chước, thường bắt đầu từ những từ đơn, sau đó đến đồng ý và phản đối, cao cấp hơn là hỏi và trả lời. Vậy tất cả những thứ nêu trên đều phải có mẫu. Nghĩa là môi trường ngôn ngữ phải là một môi trường “sống” và “có tương tác thật”, chứ không phải đơn thuần là một môi trường 1 chiều như nghe băng, nghe ghi âm.
Mội trường ảnh hưởng ra sao đến hiệu quả học?
Như bé nhà mình tiếng Việt – Trung – Ukraine thì chắc hẳn mọi người có thể thấy rõ được môi trường học tự nhiên của bé rất tốt. Đảm bảo yêu cầu trên. Tiếng Anh và tiếng Nga của bé kém hơn vì môi trường tương tác của bé không được “đa chiều”. Ví dụ, Tiếng Anh – bé chỉ tương tác với 1 thầy giáo dạy chuyên tại trường, sau đó là xem TV và cuối cùng là nói chuyện với bố mẹ bằng tiếng Anh. Vì tần suất sử dụng kém hơn và môi trường “đầu vào” cũng ít hơn nên bé hay bí từ hơn. Hãy nhìn lại quá trình học tiếng Nga của bé. Bé chỉ nghe và không nói chuyện nhiều thế nên bé cũng nói được tuy nhiên không nhiều, đôi lúc còn không phân biệt được tiếng Nga và Ukraine.
Không cần dạy trẻ học ngoại ngữ:
Mình nói có thể một số bạn không tin, vợ chồng mình gần như không dạy ngôn ngữ cho bé. Tất cả 5 ngôn ngữ bé nói được đều là bé tiếp xúc tự nhiên qua những hoạt động hàng ngày. Trừ lớp học tiếng Anh ở trên lớp ra bé không có bất kỳ tiết học “ngoại ngữ” nào cả. Trên thực tế bé học qua tất cả các hoạt động hàng ngày, qua những câu lệnh, những chỉ thị và bắt chước những câu trả lời, những câu nói của những người xung quanh…
Tựu chung lại thì để trẻ nói nhiều thứ tiếng cá nhân mình đánh giá môi trường là yếu tố mấu chốt chứ không phải là việc dạy và học.
Mình giải đáp một số câu hỏi của mọi người theo quan điểm cá nhân:
1. Trẻ có nên tiếp xúc nhiều ngôn ngữ, nói nhiều thứ tiếng từ nhỏ không? Có bị ảnh hưởng đến thần kinh hoặc hỗn loạn ngôn ngữ không?
=>Nên. Việc tiếp xúc nhiều ngôn ngữ khác nhau từ nhỏ không những không bị ảnh hưởng thần kinh mà còn giúp não bộ phát triển tốt hơn. Về việc có bị hỗn loạn ngôn ngữ không thì câu trả lời là có. Ngoài ra học nhiều ngôn ngữ sớm còn có thể bị chậm nói nữa. Tuy nhiên đều không nghiêm trọng (mình sẽ giải thích thêm bên dưới),
2. Trẻ đa ngôn ngữ cụ thể chậm nói thế nào?
=> Nhiều nghiên cứu cho hay trẻ sinh gia trong gia đình đa ngôn ngữ sẽ biết nói chậm hơn. Lý do là nhiều khi 1 đồ vật bé nghe thấy nhiều lần khác nhau dẫn đến khó nhớ. Ví dụ bé nhà mình 18 tháng tuổi mới bắt đầu nói những câu đơn giản và thường thì 1 đồ vật bé nghĩ ra ngôn ngữ nào trước sẽ nói bằng ngôn ngữ đó. Thực ra ở tuổi đó bé chưa biết ngôn ngữ là gì. (tầm 2 tuổi rưỡi thì bé nhà mình đã hiểu được thế nào là ngôn ngữ và có thể lựa chọn lại từ khi được yêu cầu). Tuy nhiên chậm nói thì chậm nói nhưng đến khi bé biết nói thì lại tiếp thu rất nhanh vì thời gian “ấp” cũng khá lâu.
3. Làm sao để trẻ không bị hỗn loạn ngôn ngữ
=> Để trẻ không bị loạn ngôn ngữ bố mẹ hãy nhớ rõ chữ “nhất quán” (trước sau như một). Khi nói chuyện với trẻ bố mẹ cần nhất quán ngôn ngữ. Tức là, đồng nhất ngôn ngữ từ đầu đến cuối câu chuyện, không nói kiểu “nửa mùa” tiếng nọ pha tiếng kia. Sự nhất quán này không phải trong một vài câu mà trong cả một cuộc nói chuyện, thậm chí là cả ngày cả tuần nếu có thể. Chỉ bởi cách này thì bé sẽ không hỗn loạn.
Thực ra não bộ của mình có “cơ chế” điều động ngôn ngữ rất thông minh. Thường thì khi đã nhất quán sau một thời gian ngắn thôi sẽ không gặp phải trường hợp hỗn loạn nữa. Ngày xưa mình học tiếng Trung và tiếng Anh cũng lúc mình cũng bị vậy, nhiều lúc nói tiếng Anh mà lại bắn ra từ tiếng Trung, thực ra là lúc đó chưa vào trạng thái thôi. Cái này cũng tuỳ người, riêng bản thân mình chỉ cần bắt đầu nói tiếng Anh khoảng 30s – 1 phút là mình sẽ “chuyển ngữ” và không bị nhầm lẫn nữa.
4. Trẻ không chịu nói ngoại ngữ với mình thì phải làm sao?
=> Đây là một hiện tượng hết sức phổ biến. Bởi vì trẻ thường sẽ không nói chuyện với người nào đó bằng thứ tiếng mà trẻ tin đó không phải là tiếng mẹ đẻ của người ta. Nói nghe buồn cười đúng không nhưng ví dụ cụ thể. Mình có một chị lấy chồng Trung Quốc. Bé nhà chị nói tiếng Trung rất tốt, người Trung Quốc hỏi tiếng Trung bé trả lời ngay. Nhưng nếu người Việt dùng tiếng Trung hỏi bé không bao giờ đáp.
Ở đây mình muốn nói là: nếu bạn muốn trẻ nói ngoại ngữ đó với bạn, bạn phải chắc rằng trẻ thấy bạn đã từng nói thậm chí là dùng ngôn ngữ giao tiếp với người khác rất nhiều trước mặt trẻ. Một là để tạo môi trường cho trẻ, hai là để cho trẻ thấy ngôn ngữ đó bạn có thể “đủ trình” để nói chuyện với trẻ. Khi giao tiếp với trẻ bằng ngoại ngữ bố mẹ hãy nhớ là đừng bắt trẻ tương tác ngay. Hãy cứ nói cho trẻ nghe đã, đọc sách đã, kể chuyện đã, tâm sự đã dần dần trẻ sẽ đáp và sẽ nói chuyện.
5. Không có môi trường ngoại ngữ cho trẻ phải làm sao?
=> Thực ra môi trường ngoại ngữ không khó để có, nhưng để có một môi trường “sống” và “tương tác thật” thì sẽ khó hơn. Môi trường ngoại ngữ đơn giản nhất là các chương trình bằng tiếng nước ngoài trên TV, Youtube. Nếu bố mẹ sợ con xem TV máy tính cận thì có thể tìm các chương trình postcast, radio, audio books cho trẻ… Tuy nhiên mình cần nhắc lại đây là môi trường một chiều, hiệu quả sẽ kém hơn.
Vậy để có một môi trường “sống” và “tương tác thật” bố mẹ cần phải nói ngôn ngữ đó ở nhà với nhau nếu có thể. Dần dần trẻ sẽ tự nói theo. Nếu chỉ có một người biết thì cần thuê thêm giáo viên. Nếu trẻ lớn thì có thể học, trẻ nhỏ thì chơi các trò chơi có giao tiếp nhiều với trẻ. Thuê giáo viên bản ngữ đến nhà chơi với trẻ cũng là một cách rất tốt nếu phụ huynh không quá lo ngại tốn kém. Học trường quốc tế, song ngữ cũng là một giải pháp.
6. Bao nhiêu tuổi thì trẻ tiếp thu ngôn ngữ tốt nhất? Qua tuổi “vàng” rồi thì làm sao?
=> Trẻ có tư duy và phát triển ngôn ngữ tốt nhất thường ở độ tuổi 1-12 tuổi. Trong giai đoạn này là giai đoạn vàng trẻ sẽ học rất nhanh mà không có cảm giác “đang học”. Nếu đã qua giai đoạn này thì bố mẹ cũng đừng quá lo lắng. Cho trẻ học sớm bao nhiêu hay bấy nhiêu. Vì khả năng tiếp thu ngôn ngữ chỉ giảm dần chứ không ngày càng tốt nên (trừ ý chí sẽ tốt lên khi trẻ có ý thức và cái này cũng phát huy hiệu quả nhất định). Lúc bé trẻ học theo tiếp thu tự nhiên, càng lớn sẽ càng bị tiếng mẹ đẻ chi phối sẽ gây ra những khó khăn và chướng ngại nhất định khi các điểm không tương đồng trong ngôn ngữ xuất hiện.
Đôi điều chia sẻ với mọi người. Chúc những ông bố bà mẹ đọc được bài viết của Quốc Tư có thể nghĩ ra cách để cho con mình biết nhiều ngôn ngữ từ bé nhé. Nếu có thêm câu hỏi gì mọi người cứ comment mình sẽ update bài sau!
“Biết thêm một ngôn ngữ – Sống thêm một cuộc đời!”
Nếu thấy bài viết hay like và share khích lệ mình nhé. Có dịp mình lại ngồi đàm đạo thêm cùng mọi người.
Đọc thêm:
https://phunuvietnam.vn/be-gai-3-tuoi-noi-luu-loat-5-thu-tieng-20210815182708197.htm
https://m.baomoi.com/be-gai-3-tuoi-noi-luu-loat-5-thu-tieng/c/39888409.epi
Có thể bạn quan tâm:
- Thông tin học bổng du học Trung Quốc: https://www.facebook.com/groups/duhoctq
- Nhóm Học Tiếng Trung: https://www.facebook.com/groups/hocttq
- Nhóm Giáo Viên Tiếng Trung: https://www.facebook.com/groups/giaovientt/
- Nhóm chia sẻ tài liệu tiếng Trung: https://www.facebook.com/groups/197471149047284/
=> Thông tin thêm về thầy Quốc Tư và QTEDU:
QTEDU chúc bạn học tiếng Trung vui vẻ và đạt hiệu quả cao!
QTEDU- 学而优